Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, HUFI không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, sáng tạo nhiều cách làm hay, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước . Từ năm 2017, Nhà trường đã tập trung xây dựng và phát triển các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong toàn trường. Trải qua 05 năm thực hiện nhiều hoạt động và chương trình Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, HUFI đã gặt hái được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên và thế hệ trẻ.

Với tinh thần không ngừng học tập, luôn sáng tạo và đổi mới trong các hoạt động, chiều ngày chiều 26/4/2023, HUFI đã tổ chức thành công Hội thảo "Nâng cao chất lượng hoạt động Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp (ĐMSDT&KN) trong trường Đại học". Buổi Hội thảo là dịp để Nhà trường nhìn nhận lại một chặng đường đã qua, đánh giá những kết quả và hạn chế, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tham khảo những mô hình hiệu quả từ các trường bạn.

Buổi Hội thảo diễn ra sôi nổi, hiệu quả với sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia đến từ các mạng lưới khởi nghiệp, Hội đồng TVHT khởi nghiệp quốc gia phía Nam, Các quỹ đầu tư khởi nghiệp, các cán bộ phụ trách hoạt động khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực lân cận, cùng với đó hơn 400 sinh viên HUFI tham dự trực tiếp và hơn 10.000 sinh viên quan tâm, theo dõi qua hình thức livestream.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chỉ đạo

Hội thảo được mở đầu với lời phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường: khẳng định sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo Nhà trường đến các hoạt động hỗ trợ người học nói chung và khởi nghiệp nói riêng; trong tương lai HUFI tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động ĐMST&KN, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để sinh viên, cán bộ, giảng viên hiện thực hoá những ý tưởng sáng tạo, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội. Nội dung quan trọng và là điểm nhấn của Hội thảo là phần trình bày 04 tham luận cùng các ý kiến thảo luận, chia sẻ, góp ý xoay quanh chủ đề nâng cao chất lượng hoạt động ĐMST&KN trong trường đại học.

ThS. Hoàng Thị Thoa, PGĐ Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUFI trình bày tham luận

Tham luận đầu tiên Mô hình mạng lưới kết nối phát triển hệ sinh thái ĐMST&KN trong trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM được ThS. Hoàng Thị Thoa, PGĐ Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUFI trình bày đã tạo nên không khí học thuật sôi nổi tại Hội thảo. Tham luận được ThS. Hoàng Thị Thoa xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn qua 05 năm làm cán bộ điều hành, quản lý hoạt động Hỗ trợ sinh viên và khởi nghiệp tại HUFI.

Hai tham luận khác rất có giá trị thực tiễn để các trường đại học tham khảo, vận dụng là tham luận của PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và tham luận của bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó chủ tịch Hội đồng TVHT khởi nghiệp quốc gia phía Nam.

PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trình bày tham luận

Trong tham luận của PGS.TS. Trần Thị Hồng đã làm rõ vai trò của lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trong việc định hướng và thúc đẩy sự hợp tác giữa các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong và ngoài trường để tạo ra các cơ hội và nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó chủ tịch Hội đồng TVHT khởi nghiệp quốc gia phía Nam

Tác giả Nguyễn Thị Thuỷ đã chia sẻ về Mô hình Mentoring hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên trong trường đại học, đây là hình cần thiết để hỗ trợ, bồi dưỡng, định hướng cho sinh viên khởi nghiệp thông qua các hoạt động gặp gỡ, tương tác giữa sinh viên và các chuyên gia, doanh nhân có kinh nghiệm thực tế.

ThS. Phạm Ngọc Điệp – Trưởng ban Liên lạc Cựu sinh viên HUFI trình bày tham luận

Nội dung các tham luận thêm phong phú, đa dạng hơn với tham luận “Mô hình không gian hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên trong trường đại học” do ThS. Phạm Ngọc Điệp – Trưởng ban Liên lạc Cựu sinh viên HUFI trình bày. ThS. Phạm Ngọc Điệp đã đề xuất xây dựng mô hình không gian khởi nghiệp cho sinh viên HUFI nhằm kết nối sinh viên với các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp và là nơi để các sinh viên học tập, thảo luận và phát triển các ý tưởng.

Hội thảo trở nên sôi nổi với các ý kiến đến từ sinh viên và các đại biểu tham dự

Sau phần trình bày các tham luận, Hội thảo trở nên sôi nổi với các ý kiến đến từ sinh viên và các đại biểu tham dự. Trong đó có ý kiến trao đổi giữa thạc sỹ Hoàng Thị Thoa (HUFI) và đại diện BSSC về các hoạt động phối hợp giữa nhà trường và các đơn vị đối tác trong việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Các sinh viên HUFI cũng hào hứng với hoạt động khởi nghiệp bằng các câu hỏi như cách nhóm khởi nghiệp tiếp cận các nhà đầu tư hay những trường hợp nên và không nên tiếp tục theo đuổi một dự án khởi nghiệp… Các ý kiến, câu hỏi của sinh viên đều được ban tổ chức và các chuyên gia giải đáp, gợi mở cụ thể, mang lại nhiều giá trị về nhận thức và thực tiễn cho sinh viên.

Ký kết hợp tác giữa nhà trường với 02 đơn vị đối tác

Hội thảo được kết bằng sự kiện ra mắt câu lạc bộ Mentoring HUFI và ký kết hợp tác giữa nhà trường với 02 đơn vị đối tác là trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) và Làng tư duy thiết kế ĐMST Techfest – Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia.

Ra mắt câu lạc bộ Mentoring HUFI

Với những giá trị mang lại từ buổi Hội thảo sẽ là điều kiện quan trọng để phát triển các hoạt động Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp taị HUFI, qua đó lan toả, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Chụp hình lưu niệm cuối chương trình

TT TS&TT